Đây cũng là nguồn cơn của đợt giá thép tăng “phi mã” vài tháng qua. Điều này không chỉ khiến ngành xây dựng “chao đảo” mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo bảng cân đối liên ngành được công bố bởi Tổng cục Thống kê, trong giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng, thép chiếm khoảng 4%. Ngoài xây dựng, nhiều ngành trong nền kinh tế cũng cần thép cho chi phí đầu vào.
Thép chiếm trong chi phí trung gian của toàn nền kinh tế khoảng 6,2% và chiếm trong giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế khoảng 1,4%. Như vậy, khi giá thành của thép tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp (ảnh hưởng tức thời) và gián tiếp (ảnh hưởng đến những chu kỳ sản xuất sau) đến nền kinh tế.
GIẢI MÃ GIÁ THÉP
Cơn “sốt” nóng giá thép những tháng đầu năm 2021 mà đỉnh điểm là cuối tháng 4 và tháng 5 xuất phát từ nguyên nhân chính là giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như quặng sắt, thép phế, phôi thép... tăng đột biến.
Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3/2021 ghi nhận ở mức trên 170 USD/tấn CFR (tiền hàng cộng cước phí) tại cảng Thiên Tân (Trung Quốc), tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Sang đầu tháng 4/2021, giá quặng sắt giao dịch ở mức 170,6 - 171,1 USD/tấn CFR.
Đến đầu tháng 5/2021 lên mức 189,4 - 189,9 USD/tấn, tăng mạnh 18,8 USD/tấn, sau đó 3 ngày (7/5/2021) giá quặng giao dịch là 210 – 212 USD/tấn CFR, tăng từ 20,6 – 22,1 USD/tấn. Trong khi đó, mỗi năm ngành thép cần khoảng 15 triệu tấn quặng sắt nhưng trong nước mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu.
Tương tự, giá thép phế nhập khẩu cảng Đông Á ngày 6/4/2021 ở mức 442 USD/tấn CFR, giảm 18 USD/tấn so với đầu tháng 3/2021. Nhưng sang đến đầu tháng 5/2021 đã lên mức 466 USD/tấn CFR, tăng 24 USD/tấn so với đầu tháng 4.
Đối với thép cuộn cán nóng (HCR), nếu như đầu tháng 4/2021 ở mức 795 USD/tấn CFR cảng Đông Á, tăng khoảng 85 USD/tấn so với đầu tháng 3/2021, thì đến đầu tháng 5/2021 đã lên mức 925 USD/tấn CFR cảng Đông Á, tăng mạnh 130 USD/tấn so với đầu tháng 4/2021.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, thép HCR sẽ vẫn mất cân đối cung - cầu (ngày càng tăng mạnh) trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng. Hiện tại, công suất trong nước đạt khoảng từ 5 - 6 triệu tấn.
Trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép HCR đến 9,3 triệu tấn (nhập khẩu 10 triệu tấn – xuất khẩu 0,7 triệu tấn). Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép HCR để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Về phôi thép, tính đến ngày 6/4/2021 giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020. Thực tế, ngành thép Việt Nam vẫn đang lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Trong nước, với thép chế tạo, Formosa sản xuất được 3,5 - 4,5 triệu tấn, Hoà Phát sản xuất được 600 nghìn tấn, nhưng mỗi năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn. Những điều này đã dẫn đến việc giá thép leo cao thời gian qua.
DOANH NGHIỆP THÉP CŨNG ĐANG CHỊU ÁP LỰC
Bên cạnh nguyên nhân giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong báo cáo mới đây Tổng cục Thống kê cho biết giá thép thời gian qua còn bị tác động bởi chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025).
Nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng đã tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu. Ngoài ra, tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sắt, thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài cũng là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 được kiểm soát, sản xuất phục hồi, hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép, các công trình xây dựng gấp rút triển khai, đồng thời tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình... Những yếu tố này tác động giá sắt, thép trong nước tăng mạnh.
Dẫu vậy, khi ở thời điểm đầu tháng 5/2021, giá thép tăng cao và thiết lập mặt bằng giá mới ở mức trên 17 triệu đồng/tấn (chưa tính VAT, chiết khấu, phí vận chuyển...) thì xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp thép “bắt tay” nhau để lợi dụng giá nguyên liệu đầu vào tăng để tăng giá bán thép.
Tuy nhiên, theo khẳng định của một số doanh nghiệp thép lớn, điều này là hoàn toàn không có cơ sở, bởi chính bản thân các doanh nghiệp thép cũng phải chịu áp lực rất lớn từ việc giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm không thể tăng tương ứng.
Để sản xuất một tấn thép thô thì cần tới 1,7 tấn quặng sắt, trong khi quặng sắt chiếm gần 50% giá thành sản phẩm. Trong những tháng đầu năm 2021, giá quặng sắt đã tăng tới 55% nhưng giá thép trong nước chỉ tăng khoảng 40 – 50%.
Liên quan đến kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc thúc đẩy gia tăng năng lực sản xuất thép, ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết các nhà máy đều hoạt động tối đa công suất và tăng sản lượng khoảng 30 – 40%.
Cụ thể, trong tháng 4/2021, các doanh nghiệp thép thành viên của hiệp hội đã sản xuất gần 2,82 triệu tấn thép các loại và tiêu thụ đạt hơn 2,7 triệu tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép đạt hơn 10,48 triệu tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ 2020; lượng thép tiêu thụ nội địa trên 9,48 triệu tấn, tăng trên 40,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nguồn cung thép sản xuất trong nước dư thừa, đủ cho cầu tiêu thụ trong nước.
HÌNH THÀNH THỊ TRƯỜNG NGUYÊN LIỆU LÀNH MẠNH
Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã chỉ rõ hạn chế của ngành thép là mới chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng, còn thép trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được.
Nói cụ thể hơn, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho biết năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng thông thường. Một số sản phẩm xuất khẩu cao như: tôn mạ, ống thép, thép cuộn cán nguội. Tuy nhiên, các chủng loại thép khác phục vụ ngành chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ như: thép HCR, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm cán nóng, thép tấm cán nguội,... còn phải nhập khẩu.
Nhận định về những thách thức của ngành sản xuất thép thời gian tới, ông Trương Thanh Hoài cho rằng do nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của ngành này đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... nên giá thành sản phẩm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường nước ngoài.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị các giải pháp nhằm ổn định cung-cầu và giá thép trong năm 2021, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo, năm 2021 Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn...
Nhằm thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; đồng thời điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh đến một số giải pháp, yêu cầu các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách đủ mạnh, đồng bộ, khả thi để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển ngành thép, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng và hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh.
Theo Nguyễn Mạnh
Vneconomy